March 17, 2018

LỜI AI ĐIẾU CHO NỀN VĂN HỌC XÔ VIẾT

Erofiev, báo Văn học (tiếng Nga), ngày 4 tháng 7 năm 1990, số 27, tr. 10

Đào Tuấn Ảnh dịch


Cũng lại lấy cảm hứng từ cái stt mới của nhà giáo La Khắc Hòa [xem: http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/nghe-thuat-thuoc-ve-nhn-dn-su-nho-nan-nguoi-doc/– Văn Việt], chúng tôi xin giới thiệu một bài viết nổi tiếng của nhà phê bình V. Erofiev về sự cáo chung của nền văn học Xô Viết. Bài được viết vào năm 1989, hai năm sau khi cố nhà văn Nguyễn Minh Châu cho đăng Lời ai điếu cho một nền văn học minh họa, năm 1987. Năm 2001 tôi dịch bài này, từ đó đến nay chưa đăng tải ở đâu. Hôm nay xin được đưa ra mắt bạn đọc trong dạng rút gọn, gọi là lời phi lộ cho bài viết về văn học hậu Xô Viết mà tôi sẽ giới thiệu sau.

Trong bài viết, tác giả nêu và phân tích những nguyên nhân dẫn tới sự suy sụp của từng bộ phận của nền văn học Xô Viết: văn học chính thống, văn học nông thôn, văn học liberal, trên cơ sở đó phác họa những nét chính yếu của nền văn học tương lai – văn học thời kì hậu Xô Viết.


Đào Tuấn Ảnh

Theo tôi, văn học Xô Viết đã kết thúc. Có thể, thậm chí đó là một cái xác đã nguội lạnh, một nhà tư tưởng đầu to lặng lẽ và như thể e thẹn, từ giã cõi đời. Không sao, tôi sẽ là người cuối cùng khóc trên lễ tang, nhưng tôi cũng sẽ vui lòng đọc lời ai điếu.

Evgeni Zamiatin, tác giả tuyệt vời của cuốn tiểu thuyết “Chúng ta” đã từng nhận xét vào năm 1920, rằng, nếu đất nước chúng ta không có tự do ngôn luận, thì nền văn học Nga chỉ có mỗi một tương lai – đó là quá khứ của nó. Gìơ đây, với niềm hi vọng thận trọng, có thể nói rằng văn học Nga, nếu như được hồi sinh, nó sẽ có tương lai của mình – trong tương lai.

Văn học Xô Viết là con đẻ của quan điểm hiện thực xã hội chủ nghĩa được nhân lên bởi sự yếu đuối của cá tính con người nhà văn lo bảo vệ miếng cơm manh áo của mình và mơ ước vinh quang cùng chỗ đứng bên cạnh quyền lực, cạnh những kẻ, nếu không bôi nhọ thánh thần, thì cũng bôi nhọ tư tưởng nhân loại. Toà tháp khổng lồ của văn học Xô Viết hiện thực xã hội chủ nghĩa mang phong cách barok, nhiều phòng, được tính xây cho muôn đời và mặc dù được xây cẩu thả (có quá nhiều bột nhão rẻ tiền), toà tháp này đã tồn tại qua hàng thập niên, được phiên bản ở những nền văn hoá hiện thực xã hội chủ nghĩa kề cận khác.


Những năm cuối đời, qua được cú sốc Stalin, văn học Xô Viết tồn tại (theo quán tính – cái gọi là life after life – những người kế tiếp nó vẫn còn đang tồn tại đến bây giờ) ở ba bộ phận. Từng bộ phận hiện đang nếm trải khủng hoảng.

Tôi nói về văn học chính thống, văn học nông thôn và văn học liberal, hiểu rõ tính ước lệ của cách chia này, bởi những bộ phận văn học ấy thường xuyên có hiện tượng xâm nhập lẫn nhau. Ngoài ra, mỗi nhà văn có tài ở mức độ nào đó đều có thước đo riêng của mình và thường là không xếp vừa vào một sơ đồ nào. Tuy nhiên, tính sơ đồ gần như bao giờ cũng là cơ sở cho cái nhìn phân tích, và những mất mát do nó đem lại được đền bù bằng tính rõ ràng của bức tranh chung.

Văn học chính thống dựa trên nguyên tắc tính Đảng được xác định vào những năm 30-40 của thế kỉ trước. Bản chất của văn học này là khát vọng hừng hực hướng tới những nhiệm vụ ngoài văn học, xây dựng con người mới mà giới li khai gọi bằng thuật ngữ homo sovieticus và dẫn tới chức năng xã hội đơn điệu. CNHTXHCN dạy phải nhìn thực tại trong khí thế cách mạng, chính vì vậy nó phủ nhận thực tại vì tương lai, mang định hướng khắc phục cái đang diễn ra, tràn ngập những hứa hẹn trống rỗng và sự hằn thù giai cấp không giới hạn.

Trong thời kì Bregienev, cũng như xã hội nói chung, CNHTXHCN mắc tệ tham nhũng nặng nề. Nếu như vào thời Stalin các nhà văn phục vụ CNHTXHCN, thì thời Bregienev – CNHTXHCN phục vụ quyền lợi của nhà văn. Tác giả sử dụng CNHTXHCN không phải để khẳng định lí tưởng, mà để tự khẳng định mình. Bề ngoài điều này không dễ nhận ra, song bên trong nó phá vỡ dần bản thân tinh thần phục vụ vô điều kiện, và về thực chất, đã góp phần cho sự suy đồi của toàn bộ hệ thống, cuối cùng dẫn tới việc xã hội bắt đầu biến đổi mô hình của mình. Chính trong lòng chủ nghĩa Bregienev đã nảy mầm perestroika.

Đặt câu hỏi đại loại: kiểu nhà văn chính thống thời Bregienev, chẳng hạn như G. Markov, tin tưởng bao nhiêu vào những điều anh ta viết, xem ra có vẻ không đúng chỗ, bởi không được lịch thiệp cho lắm. Về điều này chẳng những không bàn đến, mà còn không cả nghĩ đến. Bệnh tâm thần phân liệt toàn xã hội tạo nên một kiểu nhà văn đặc biệt, trở thành người thể hiện tư tưởng quốc gia ở đằng sau bàn giấy và người sùng bái xã hội tiêu thụ ở nhà nghỉ của mình. Điều này thì can hệ gì tới văn học? Chỉ cần nói tới một điều ít nhiều ai cũng thấy là quan trọng, đó là văn học chính thống có hàng trăm nghìn độc giả mà nó góp phần hình thành sở thích và biến đổi ý thức của họ. Trong điều kiện một xã hội đóng kín, khi mỗi người có vừa đủ cái quyền mà anh ta nhận được bởi vị trí xã hội của mình, loại văn học “nô bộc” [nguyên văn: literaturnaia nomenklatura] không hiếm khi đầu cơ những đề tài bị cấm đoán hoặc nửa cấm đoán. Văn học này, như người ta gọi, là văn học thư kí, được viết bởi những tổng thư kí có ảnh hưởng của Hội nhà văn và chính vì vậy nó được bảo vệ khỏi sự tấn công của kiểm duyệt, cũng như của phê bình.

Các đề tài huý kị bao gồm: Stalin (đề tài được phát triển chẳng hạn như trong các tiẻu thuyết lịch sử của A. Chaikovski), những đặc điểm của tính cách Nga (ở đây văn học chính thống gần gũi với mặt bảo thủ của văn học nông thôn), phong trào tập thể hoá, phong trào li khai, di tản, những vấn đề của thanh niên, v.v.. Không cần phải nói, ai cũng biết những đề tài này đã bị bóp méo và người đọc bị lầm lạc một cách có ý thức. Nhưng khi những đề tài này xuất hiện trên những ấn phẩm của xuất bản kiểm duyệt, trở thành độc quyền của văn học chính thống, ngang với loại đề tài giật gân về hoạt động ở bên ngoài của phản gián Xô Viết, hay chiến tranh Afganistan, – độc giả đại chúng bị đói thông tin hăng hái lao theo những cuốn sách văn học “thư kí” và lấy làm thoả mãn bởi được tiếp xúc với những đề tài hiếm, nóng bỏng này và cùng lúc bị trả giá: đầu óc của họ trở nên hỗn loạn. Bằng điều đó văn học chính thống, nếu không thực hiện nhiệm vụ giáo dục người đọc theo tinh thần cộng sản đến cùng, thì cũng kịp làm cho họ lầm lạc và ngu muội.

Bắt đầu Cải tổ, văn học chính thống bị lúng túng. Nó những tưởng đó là một mưu chước gì đó ở phía trên mà mình không có khả năng hiểu được. Thời gian trôi đi, chính bản thân nó đã lĩnh đòn giáng xuống. Mất mát của nó lớn tới nỗi nó đã mất cả cái raison dêtre của mình.

Trước tiên nó đánh mất vai trò nhà tư tưởng và vị thế bất khả chạm tới. Là sản phẩm của một xã hội bịt kín, văn học chính thống chỉ có thể tồn tại trong những điều kiện của môi trường khép kín. Tuy vậy, phê bình liberal bắt đầu lôi nó ra để cười nhạo, chỉ ra sự bất lực, đần độn và tính khuôn sáo của nó.

Văn học chính thống trở thành kẻ chống đối không khoan nhượng những thay đổi. Sự chống đối rõ rệt hơn cả thể hiện ở những phát biểu của Iu. Bondarev, người so sánh những lực lượng mới trong văn học với bọn phát xít tấn công Liên Xô năm 1941, điều từ miệng người lính cựu đã trở thành lời buộc tội quyết liệt.

Đứng trước sự đỗ vỡ của bản thân, lẽ ra văn học chính thống phải dựng lên được những bi kịch tầm cỡ Shakespeare diễn ra với thế hệ lớn tuổi gần 70 năm mới nhận ra sự tồn tại vô nghĩa của mình ở đời, bởi đã dâng hiến nó cho những lí tưởng giả trá trong khi hoàn toàn không tin vào những giá trị siêu hình. Nhưng văn học chính thống quá yếu đuối để phản ánh những xung đột thực sự và luôn chỉ ưa thích đấu tranh bằng những âm mưu chính trị, lợi dụng những mối quan hệ cũ của mình. Có một vài nhà văn chính thống cũng muốn “đổi mầu”, song lại sợ người ta không đưa tay cho mình.

Sự phân hoá và tan rã của văn học chính thống không có ý nghĩa nhiều lắm đối với sự phát triển tiếp tục của văn học, vì giữa các nhà văn chính thống thực ra cũng không có người tài (sự giễu nhại sắc sảo mĩ học HTXHCN rất phổ biến ở các nhà văn trẻ thuộc trường phái ý tưởng), song sự phá sản của họ dẫn tới những thay đổi có thể cảm nhận được của các thang giá trị trong văn học – xã hội.


Sự suy sụp của văn học nông thôn nhạy cảm hơn đối với đời sống văn học, bởi đây là nói về những nhà văn có tài hơn, và về mặt xã hội là những người có nhân cách hơn.

Văn học nông thôn hình thành trong thời kì hậu Stalin, mô tả hoàn cảnh khủng khiếp của nông thôn Nga do công cuộc tập thể hoá và những bất hạnh của chiến tranh và thời kì hậu chiến mang lại. Dòng văn học này đã dựng lên được những chân dung không phải không chói sáng về những kẻ kì quặc ở nông thôn, các triết gia “cây nhà lá vườn”, những nhà thông thái dân gian, tham dự vào sự phát triển quá trình tự ý thức dân tộc. Nhân vật trung tâm của dòng văn học này là hình tượng người phụ nữ mộ đạo (chẳng hạn như trong truyện ngắn Sân nhà Matrona của A. Solzenisin, một truyện ngắn gần với văn học nông thôn), mặc dù phải chịu đựng gánh nặng cuộc đời vẫn mang trong mình thiên tính tôn giáo.

Vào những năm 1970 văn học nông thôn đạt được sự độc lập của mình thông qua những đại diện xuất sắc Astafiev, Belov và Rasputin, truyền bá tinh thần yêu nước. Văn học nông thôn có sự cao ngạo tôn giáo, thậm chí cao ngạo chính trị, dũng cảm tham gia vào phong trào bảo vệ môi trường.

Với thời gian, mọi sự đã thay đổi. Và sự thay đổi này diễn ra từ trước Cải tổ, nhưng trong thời gian Cải tổ trở nên sâu sắc hơn. Sự phát triển của phong trào sùng phương Tây trong xã hội Xô Viết, tuy hỗn độn và không được y chuẩn, song lại rất chắc chắn, khiến trong đất nước xuất hiện cơ sở xã hội cho những cải cách, dẫn đến những xung đột ngày càng tăng giữa văn học nông thôn và xã hội. Văn học nông thôn tố cáo, than vãn nhiều hơn là ca tụng. Xuất hiện ba kẻ thù không đội trời chung đối với nó.

Kẻ thù thứ nhất, cũng thật lạ, chính là phụ nữ. Nếu như trước đây trong vai trò người mộ đạo người phụ nữ còn là nhân vật tích cực, thì bây giờ, trong hình tượng người đàn bà nhạy cảm, thậm chí sa đoạ, nhân vật này lại là mầm mống của ác quỷ. Chính là người phụ nữ, trong cơn săn lùng những khoái lạc cuộc đời, đã trở thành (theo tinh thần sô vanh đàn ông) kẻ phái hoại mẫu gia đình Nga và tạo ra loại đàn ông yếu đuối.

Kẻ thù thứ hai là thanh niên và gắn với nó là văn hoá hưởng thụ. Nhạc rock-en-roll gây cho các nhà văn nông thôn nỗi căm thù nhục thể. Thứ âm nhạc này, theo họ, là anh em về mặt tinh thần với sida. Nỗi căm ghét tương tự gây ra nơi họ còn là aerobika. Với lối suy nghĩ đơn giản, họ cho đó là một thứ khiêu dâm thực thụ. Và cũng không chỉ có thể, bất cứ sản phẩm nào của phương Tây làm thương tổn tới cái gọi là tinh thần Nga thuần khiết cũng đều làm cho họ căm ghét. Trong văn học nông thôn, cũng như trong văn học dân gian cổ, có sự phân chia quyết liệt giữa “người mình” và “kẻ khác”: ta với chúng ăn mặc, suy nghĩ khác nhau và không thể nào hoà hợp ở phương diện con người.

“Kẻ khác” còn là dân Do Thái và những người khác giống nói chung (kẻ thù thứ ba có mặt khắp nơi). Đây là đề tài tế nhị của các nhà văn nông thôn. Họ triển khai đề tài này một cách thầm lén, mờ ảo, vòng vèo, song không hề biết mệt mỏi. Các nhà văn nông thôn thực sự lo ngại ảnh hưởng của người Do Thái đối với vận mệnh của lịch sử Nga. Ý thức “ảm đạm” của họ được tạo bởi mong muốn có từ trong lịch sử: đổ trách nhiệm lên “người lạ” về những thảm hoạ xảy ra trong đất nước, tìm kiếm kẻ thù và bằng lòng thù hận đối với nó khuấy động các phong trào dân tộc. (Mới hiểu tại sao một đất nước chiến thắng phát xít Đức nay lại là nơi phát sinh và bành trướng những phong trào phát xít mới! – ĐTA)

Nói một cách ngắn gọn, văn học nông thôn không phải là đề tài mà là một khái niệm thuộc thế giới quan. Ở nước Nga, cũng như ở các nước có số lượng lớn người làm nông nghiệp (Canada, Ba Lan, v.v.), loại văn học này có truyền thống lây nhiễm tinh thần cứu chuộc tôn giáo, sự kết hợp kì lạ của hỗn tạp giữa tính vượt trội dân tộc, tính đặc biệt tôn giáo với hàng loạt những thiếu hụt về chất lượng. Cứ xem văn học nông thôn của chúng ta thì thấy rõ. Nó nằm trên trục của văn xuôi tình cảm – trữ tình và tôn giáo. Ngôn ngữ của nó ngập tràn phương ngữ, nhưng cùng lúc lại thống thiết cao cả, nhiều lúc gây nhức nhối khó chịu thậm chí cả khi mô tả những bi kịch thực sự của cách mạng và phong trào tập thể hoá. Các nhà văn nông thôn xem ra không bị cuốn theo các giá trị Xô Viết, song giọng điệu cổ hủ của họ gây ức chế người đọc bởi sự tẻ nhạt, vô vị.

Sự cứu vãn tình thế họ nhìn thấy trong ước mơ thần quyền mờ ảo đầy chất lãng mạn tôn giáo, thay thế những mơ tưởng hảo huyền của CNHTXHCN là tư tưởng không kém phần quái dị, ở đó lòng hận thù ghen tức chiến thắng tình yêu, và sự suy sụp hiện tại của dòng văn học học này hoàn toàn không ngẫu nhiên: được nuôi dưỡng bằng thù hận nó không tránh khỏi tự tàn phá, làm người đọc hoặc ngạc nhiên, hoặc chán ghét.


Vấn đề quan trọng nhất của văn học Nga luôn là sự phì đại đạo đức, bệnh gây áp lực đạo đức thái quá lên người đọc. Bệnh này mang tính lịch sử, có nghĩa là căn bệnh mãn tính. Có thể tìm thấy nó ngay ở các nhà cổ điển thế kỉ XIX Dostoevski và Tolstoi. Căn bệnh này luôn được tiếp nhận như một nét đặc trưng của văn học Nga và đúng là đối với người đọc nước ngoài đó là cái một cái gì đấy lạ lẫm, hấp dẫn. Theo tôi, cái khác lạ đó trong sự phát triển thái quá quan điểm xã hội rất thường hay đưa văn học Nga ra khỏi những nhiệm vụ mỹ học, đi vào lĩnh vực giao giảng đạo đức tẻ nhạt. Văn học thường xuyên được đo bằng mức độ gay cấn và tính cấp thiết của những vấn đề xã hội. Tôi không nói rằng CNHTXHCN là không cần thiết, cứ để cho mọi cái tồn tại, song coi văn học dân tộc chỉ là nền văn học có khuynh hướng xã hội, thì đó quả là khổ sai và buồn tẻ!

Văn học nông thôn và văn học liberal, mỗi thứ phì đại đạo đức theo cách của mình.

Văn học liberal, con đẻ của thời kỳ “ấm dần” Khrupsov, đã và đang được coi là một khuynh hướng văn học trung thực. Dòng văn học này tạo dựng nền nếp cho chính phạm trù văn chương và bằng điều đó một thời gian dài đã lôi cuốn được độc giả, lớp độc giả đói sự thật.

Khát vọng của văn học liberal là làm sao nói lên sự thật nhiều nhất, điều đi ngược lại chính sách kiểm duyệt. Kiểm duyệt ở đây đã thể hiện ảnh hưởng của mình ở phương diện cơ cấu hình thức, làm cho văn học liberal suy đồi bằng cuộc chiến với mình và luôn làm nó bị ám ảnh bởi những ảo tưởng; kiểm duyệt đồng thời cũng làm hỏng cả người đọc luôn thích thú mỗi khi nghi ngờ nhà văn che đậy “một cái gì đó” mang thái độ chống đối, miệt thị. Nhà văn bị chuyên môn hoá về khoản “chống đối, miệt thị” và thôi không còn suy nghĩ nữa.

Văn học liberal rất hoan nghênh perestroika và ở vào giai đoạn đầu nó đóng vai trò mà từ lâu đã mơ ước: vai trò thẩm phán luận tội xã hội theo luật định đạo đức và lẽ phải. Song niềm vui sướng không kéo dài: perestroika, khác với thời kỳ “ấm dần” Khru.psov, đối với văn học liberal là không có đáy và trong cái giếng đó rất nhiều tác phẩm đã bị chìm nghỉm – những tác phẩm mới chiều hôm qua còn được coi là dũng cảm.

Gìơ đây sự tự do của tổ quốc, dù nó đầy đủ tới mức nào, đã nhanh chóng làm cũ đi những tác phẩm “dũng cảm”, điều thấy rất rõ ở những tác phẩm như “Những đứa con phố Arbát” của Rybakov hoặc những vở kịch liberal của Satrov.

Một mảng văn học to lớn được gọi là văn học liberal, đã chết, mang theo mình công sức lao động bao năm trời của rất nhiều các nhà văn. Tôi còn nhớ cái khoảnh khắc đầy kịch tính khi các nhà thơ, lần đầu tiên đứng trên sân khấu, tự do đọc những bài thơ bí mật của họ sáng tác vào thời kì Bregenev, đã lần lượt bị thất bại. Các nhà thơ không còn cần thiết đối với những thính giả trẻ tuổi, những kẻ đã vỗ tay nhạo báng, huýt sáo đuổi họ xuống sân khấu.

“Nhà thơ ở nước Nga còn lớn hơn nhà thơ” – Evtusenko nói, hi vọng bằng câu nói đó tôn vinh vị thế của nhà thơ ở nước Nga. Nhưng ông không hiểu được rằng chính trong vị thế đó nhà thơ trở nên nhỏ hơn nhà thơ, bởi vì anh ta đã bị suy thoái với tư cách nhà thơ. Ở nước Nga, nhà văn cùng lúc phải đóng nhiều vai trò: vừa là cha đạo, vừa là thẩm phán, là nhà xã hội học, tư vấn về tình yêu và hôn nhân, vừa là nhà kinh tế, lại vừa là nhà thần bí. Đóng nhiều vai như vậy không hiếm khi nhà văn hoá ra lại chẳng là ai cả, không cảm nhận được đặc trưng của ngôn ngữ nghệ thuật và tư duy hình tượng khác thường của văn học. Anh ta thuê mượn phong cách như thể rent-a-car, chỉ để đạt được cái mục đích chức năng xã hội của mình. Chính vì vậy, trước nay ở ta hài hước, giễu nhại bị đối xử một cách nghi ngại, bị coi là sự phá hoại cái nhìn nghiêm túc đối với văn học với tư cách là người khai sáng xã hội, cũng chính vì vậy yếu tố trò chơi trong nghệ thuật làm các nhà quản lý văn học nổi giận chẳng kém gì trước thái độ chính trị của Soljenisin.

Văn học chống đối xã hội cứng nhắc trong vị thế liberal và li khai đã hoàn thành sứ mệnh xã hội mà than ôi văn học đã buộc phải gánh vác trong thời kỳ của một nhà nước khép kín. Trong xã hội hậu không tưởng đã đến lúc phải quay trở về với văn học theo đúng nghĩa của nó.

Văn học mới, văn học tương lai, nền văn học thế chỗ cho cái đã chết, sẽ được trợ giúp bởi kinh nghiệm của Nabokov, Joice, Zamiatin, Platônov, Dobychin, những người khai lập “văn học phi lí Nga”, các nhà văn giờ đây đang được “phục hồi” ở ta. Kinh nghiệm này quý giá bởi nó hướng tới ngôn từ như một thực tại mang ý nghĩa độc lập. Lời – một giá trị tự tại, một sự vật mang nghĩa vật thể. Trong tiểu thuyết, điều quan trọng không chỉ là xây dựng hình tượng con người, tính cách xác định, mà còn là cái mà tôi có thể gọi tên một cách giản dị – văn xuôi.

Gìơ đây xuất hiện một văn học khác, một nền văn học đối lập với văn học cũ trước hết bởi nó sẵn sàng đối thoại với mọi nền văn hoá, kể cả nền văn hoá xã xôi nhất về mặt không gian và thời gian, để kiến tạo một cấu trúc đa nghĩa, đa phong cách dựa trên kinh nghiệm của triết học Nga từ Tradaev tới Florenski, kinh nghiệm hiện sinh của nghệ thuật thế giới, những phát hiện của triết học bản thể thế kỷ XX, những cái, nhìn chung, từng nằm bên ngoài văn hoá Xô Viết, để thích ứng với điều kiện của tự thể hiện tự do và khước từ tính đầu cơ báo chí.

Đối với chúng ta, đối thoại với những nền văn hoá khác cần thiết như khí trời để thở. Trong sự cách li văn hoá, một lần nữa, chúng ta đánh mất cơ may có được để vượt qua chủ nghĩa tỉnh lẻ và sự chai lì hủ lậu.

Sự kết thúc nền văn học mang gánh nặng của tính xã hội thái qúa cả ở mảng chính thống cũng như mảng li khai của nó có nghĩa bắt đầu khả năng của một cuộc hồi sinh. Những mầm mống của một nền văn học khác, dù chúng có nhỏ bé như thế nào, cũng làm cho chúng ta hi vọng.

Như vậy, đó là những lễ an táng may mắn, trùng khớp với lễ an táng nền chính trị – xã hội đồi bại, những lễ an táng mang lại hi vọng rằng ở nước Nga, một đất nước theo truyền thống có rất nhiều tài năng, sẽ xuất hiện một nền văn học không lớn hơn, cũng không nhỏ hơn văn học.

Nguồn Vanđoanviet

1989

No comments:

Post a Comment